Hoa hồng Versailles là 1 bộ shoujo manga nổi tiếng nhất của tác giả Riyoko Ikeda được ra đời năm 1972. Đã tròn 40 năm từ ngày tác phẩm kinh điển này ra đời, thế nhưng dấu ấn mà bộ manga này để lại là vô cùng ấn tượng với đọc giả. Trong đó, sự đối lập giữa 2 đoá hồng trong hoàng cung Versailles là điều khiến chúng ta không thể nào quên.

1. Đôi nét về Hoa hồng Versailles
Hoa hồng Versailles thuộc thể loại Shoujo manga. Đây là câu chuyện gắn liền với những biến cố của lịch sử nước Pháp triều đại Bourbons, thế kỉ XVIII. Truyện xoay quanh 3 nhân vật chính là Marie Antoinette – nàng công chúa xinh đẹp của nước Áo, Oscar Francois de Jajeyes – nữ cận vệ duy nhất của hoàng gia Pháp và Hans Axel von Fersen – chàng quý tộc Thụy Điển. Những năm cuối thế kỷ XVIII, ở Pháp, cuộc xung đột đẳng cấp giữa nhân dân đứng đầu là tư sản pháp với hoàng gia Versailles đã bị đẩy lên đỉnh điểm, cuộc Cách mạng Tư sản Pháp sắp sửa bùng nổ.
Trong bối cảnh lúc bây giờ, cả 3 nhân vật chính của bộ truyện đều bị cuốn vào vòng xoáy chính trị gay gắt và quyết liệt. Vì vậy, mặc dù có tình cảm sâu sắc và những điểm tương đồng, song giữa 2 đoá hồng trong hoàng cung Versailles là Marie và Oscar lại có sự đối lập vô cùng lớn.

Hai đoá hồng xinh đẹp của Pháp
2. Sự đối lập giữa 2 đoá hồng trong hoàng cung Versailles
Trước hết, về xuất thân, cả Marie và Oscar đều được sinh ra trong gia đình quý tộc ở đỉnh cao của xã hội. Oscar Francois de Jarjeyes là con gái thứ 6 của dòng họ Jarjeyes danh giá, sở hữu nét đẹp kiêu sa là thế, nhưng Oscar lại sớm trở thành nữ sĩ quan duy nhất của đội cận vệ hoàng gia Pháp. Còn Marie lại là một nàng công chúa nước Áo sớm được định ước là thái tử phi của Louis XVI.
Về tính cách, lớn lên trong sự giáo dục nghiêm khắc của cha với mong muốn nối nghiệp bảo vệ hoàng gia, từ bé, Oscar đã khoác trên mình chiếc áo giáp sắt thay vì váy áo lụa là, nàng phải cầm kiếm thay vì cầm khung thêu thục nữ. Những áp lực đè nặng khiến cho Oscar trở nên mạnh mẽ, cứng cỏi và có vẻ giống đàn ông. Thế nhưng, ẩn sâu trong tâm hồn nàng vẫn là một người con gái xinh đẹp biết rung động trước tình yêu. Có thể nói, Oscar là đoá hồng hiện thân cho những gì cao đẹp nhất vốn phải gìn giữ của giới quý tộc Pháp: can đảm, cao thượng và trượng nghĩa.
Trái ngược với Oscar, Marie là nàng công chúa ngọc ngà sớm sẽ trở thành hoàng hậu nước Pháp. Nàng sở hữu vẻ đẹp yêu kiều, tính cách nhẹ nhàng, mềm yếu và rất dựa dẫm vào Oscar. Thế nhưng, dù thương cảm cho mối tình đau đớn giữa nàng và Fersen, song người đọc vẫn phải thừa nhận: Marie lại đại diện cho sự tha hoá nhân cách của giới quý tộc Pháp: nàng là một trong số những tên quý tộc bóc lột sức lao động của nhân dân Pháp, là con rệp hút máu người dân vô tội. Nếu nói về sự cứng rắn và vô tâm có lẽ chúng ta phải nhắc đến Marie chứ không phải Oscar. Bởi lẽ, trước sự khốn khổ và lầm than của các tầng lớp nhân dân Pháp lúc bấy giờ, nàng lại tỏ ra bàng quang như thể mình là người ngoài cuộc dù vẫn mang tư cách là Hoàng hậu Pháp.
Sự đối lập nghiệt ngã giữa 2 đoá hồng Versailles không chỉ dừng lại ở đó mà nó còn được thể hiện rõ nét hơn nữa ở sự lựa chọn của cả hai. Ở Oscar với tính cách nhân ái và trượng nghĩa của mình, nàng sẵn sàng vứt bỏ danh vị bá tước và xuất thân cao quý của mình để được tự do. Nàng đã lựa chọn đứng về phía chính nghĩa, đấu tranh cho quyền lợi của nhân dân Pháp. Nàng đã đi ngược lại với những gì cha mình kỳ vọng và công việc mà mình đã làm suốt chục năm. Giờ đây, trong cuộc chiến giành lấy tự do và bình đẳng gay gắt giữa các giai cấp, nàng đã lựa chọn về phe yếu thế, Oscar chấp nhận cầm kiếm đứng lên để bảo vệ nhân dân của mình dù có phải hy sinh tính mạng. “Ta chỉ là một con người tầm thường nhưng ta hành động theo chân lý của riêng mình. Và ta đã sống mà không hề hổ thẹn với chính bản thân. Trong cuộc đời một con người, liệu còn gì hạnh phúc hơn thế nữa…Những người dân Pháp đã chiến thắng. Mong rằng lý tưởng cao đẹp “tự do, bình đẳng, bác ái” sẽ mãi tồn tại trong lòng nhân loại. Ta yên lòng nhắm mắt…Nước Pháp muôn năm…”.

Còn với Marie? Nàng đã đi con đường nào? Như đã nói ở trên, nàng là hoàng hậu nước Pháp, là quốc mẫu của nhân dân Pháp. Thế nhưng, nàng lại trở thành tội đồ của nước Pháp. Trong khi Oscar lựa chọn con đường vì nhân dân thì Marie lại ở phe đối lập. Nàng là đại diện cho tầng lớp quý tộc Pháp lúc bấy giờ. Sống xa hoa phung phí trên những đồng máu của nhân dân, vô cảm và bàng quang với sự lầm than của đất nước. Những người trong tầng lớp quý tộc như nàng chính là nguyên nhân đẩy Chế độ Phong kiến nước Pháp đến con đường khủng hoảng và suy thoái. Từ đó mâu thuẫn giai cấp trở nên sâu sắc và đi đến bờ vực nội chiến. Và dĩ nhiên, nội chiến đã thực sự diễn ra, Cách mạng tư sản của nhân dân Pháp đã thành công. Hoàng tộc Pháp đứng đầu là vua Louis XVI đã bị chém đầu và Marie cũng vậy.

Đến cuối cùng, kết thúc bộ truyện vẫn là sự ra đi của 2 đoá hồng xinh đẹp nhất Versailles. Nhưng có lẽ, số phận và tính cách đã đẩy 2 nhân vật của chúng ta đến 2 chiến tuyến khác nhau và họ chết bởi 2 lý tưởng đối lập nhau. Nếu như Oscar ra đi khi lý tưởng đã hoàn thành, nàng đã trở thành anh hùng của nước Pháp….thì Marie nàng lại là tội đồ muôn đời của nhân dân Pháp. Một sự đối lập khiến người đọc phải day dứt.