Qindecim – một quầy bar rực rỡ nhưng lại là nơi chỉ dùng để tiếp đón những linh hồn sau cái chết. Ở đó Decim giữ vai trò là một phán quan có trách nhiệm quan sát và đánh giá một người có thực sự xứng đáng được lên thiên đàng hay không.
Có một điều luật bất thành văn tại quầy bar chính là hai người qua đời cùng một thời điểm sẽ được đưa đến đây để bắt đầu một cuộc phán xét. Câu chuyện đằng sau những cảm xúc thật sự, nỗi sợ những ám ảnh và hận thù, buông bỏ hoặc ôm lấy những tham vọng trong nỗi sợ rồi tan vào hư không.
Lời phát xét có nên tồn tại? Con người có thật sự cần được thanh lọc? Ranh giới giữa đúng và sai nên có hình dạng ra sao?
Có lẽ bạn sẽ rõ ngay khi theo dõi Death Parade, hoặc không. Vì cuộc sống vốn là một vòng lặp đầy mơ hồ.
#1 Trò chơi
(Những người đã chết tham gia "trò chơi")
Sau khi được chuyển tới “phiên phán xét” linh hồn của người đã mất thường sẽ vì cú sốc sau cái chết mà quên mất rằng mình đã chết. Đó là một trong những điều kiện cần để buổi phán xét diễn ra suôn sẻ.
Kí ức của những người đã chết sẽ được truyền cho Decim trước khi họ bước vào quầy bar và một trò chơi sinh tử bắt buộc sẽ được bắt đầu, người chơi thường sẽ vì nỗi sợ nguyên thủy liên quan đến cái chết mà chấp nhận tham gia. Đây chính là lý do việc quên đi mình đã chết mới có thể giúp phiên phát xét thực sự diễn ra. Bởi một khi biết bản thân đã chết, sẽ chẳng ai muốn đặt cược thứ mình vốn đã không còn vào cuộc chơi.
Kí ức của những linh hồn đã qua đời cũng sẽ được lập trình để dần quay trở lại trong quá trình tham gia. Một phiên tòa không chỉ đánh giá linh hồn qua kí ức mà còn nhìn thẳng vào những bản năng, những góc tối nhất thuộc về một con người.
Trò chơi bắt đầu sau khi bạn bấm nút chọn trò chơi ngẫu nhiên mà Decim trao cho.
#2 Góc tối
(Những người đã chết tham gia "trò chơi")
Buổi phán xét diễn ra để thức tỉnh những phần đen tối nhất trong một con người. Hay nói khác hơn những thứ được lập trình sẵn trong quầy bar kể cả những trò chơi sinh tử kia đều là công cụ đánh giá mức độ về những nỗi sợ, những tham vọng, hay cả những sự hy sinh và tình yêu mà một con người có thể mang. Và chúng ta có thể chiến thắng được những bản năng hoang dã nhất của con người khi cái chết cận kề hay không?
Đánh sâu vào nội tâm con người, những trò chơi phát huy đúng vai trò của mình để lột tả những mâu thuẫn đầy đau đớn về những mất mát thiệt hơn, về sự công bằng mà chính con người ám ảnh, về cả sự sống mà họ muốn đoạt lấy.
Con người có thật sự tốt? con người có thể không xấu? Nhưng khi đặt bất cứ ai vào một bối cảnh đứng giữa bờ vực đánh mất cơ hội sống, sẽ có bao nhiêu người đủ vị tha với thế giới, mà chấp nhận trao cơ hội cho những người còn lại. Sự ích kỷ và tham vọng chiếm hữu sẽ luôn tồn tại nhưng có lẽ đâu đó vẫn sẽ có những người kìm hãm được phần đen tối đến đáng sợ đó.
Chính Death Parade cũng cho chúng ta cùng đối diện và bắt đầu cuộc phán xét của riêng mình.
#3 Thiên đàng hay địa ngục
(Chiyuki - Decim trước cánh cửa của vòng luân hồi và hư không)
Niềm tin của con người sau cái chết, thường là nếu bạn đủ lương thiện bạn sẽ được lên thiên đàng và ngược lại, nếu bạn sống sai trái thì ác giả ác báo địa ngục sẽ mở cửa đón bạn. Niềm tin đó giúp con người sống tốt hơn. Nhưng cũng không ít kẻ bóp méo khái niệm, ngoài mặt thể hiện mình là một con người đầy tình yêu thương, có đủ bao dung nhưng thực tâm vẫn chưa thể buông bỏ được những bóng đen về nỗi sợ, họ vẫn tham lam, vẫn ích kỷ nhưng cùng với đó họ cũng chẳng thể nhận ra mình đang tồi tệ đến mức nào.
Ở Qindecim, mọi người gọi thiên đường và địa ngục là Vòng luân hồi và Hư không. Kẻ mà sau phán xét được cho là không có nhân tính sẽ vĩnh viễn tan biến. Và người còn lại sẽ được đưa đến vòng luân hồi.
Cuộc sống nơi cái chết đánh thức được những góc tối nhất của con người, thì sự sống chính là thiên đường.
Bạn đã sẵn sàng cho buổi phán xét của mình hôm nay chưa?